Từ ngày 1-1-2019, các hãng tàu lớn trên thế giới đã chính thức áp dụng mức tính phụ phí nhiên liệu mới cao hơn trước đây. Mặc dù có thể mỗi hãng tàu “đặt tên” cho các loại phụ phí khác nhau, nhưng nguyên nhân của việc tăng các loại phụ phí này thì chỉ có một. Đó là từ năm 2020, tất cả tàu biển hoạt động trên toàn thế giới sẽ phải giảm hàm lượng phát thải lưu huỳnh từ việc tiêu thụ nhiên liệu của mình.
Từ đầu năm 2015, các hãng tàu đã áp dụng phụ phí giảm thải lưu huỳnh (Low Sulphur Surcharge - LSS) để bù đắp chi phí phát sinh khi hoạt động trong những khu vực kiểm soát khí thải theo quy chuẩn môi trường quốc tế về việc sử dụng nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, chỉ có một số khu vực trên thế giới áp dụng quy định này như ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu và sau mở rộng ra một số khu vực ở Trung Quốc. Đến đầu năm 2020, theo quy định của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO), toàn bộ các tàu chạy trên biển phải tuân thủ quy định giới hạn tối đa của hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu là 0,5%, trong khi mức giới hạn hiện tại là 3,5%.
Mặc dù là phương thức vận chuyển thân thiện nhất với môi trường xét theo lượng phát thải trên đơn vị hàng hóa luân chuyển, nhưng do lượng hàng hóa phải vận chuyển là quá lớn, nên vận tải biển có những tác động tiêu cực đến môi trường. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature, việc sử dụng nhiên liệu sạch hơn trong ngành hàng hải vào năm 2020 có thể kéo giảm khoảng 2,6% ca tử vong do ung thư tim mạch và phổi và giảm khoảng 3,6% ca hen suyễn ở trẻ em trên toàn thế giới(1). Chính vì vậy, IMO đang dần đưa ra những quy định để giảm lượng phát thải của ngành, mà quy định sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp là ví dụ rõ nét nhất.
Các hãng tàu container trên thế giới đã thể hiện sự đồng thuận với những quy định của IMO nhằm bảo vệ môi trường. Nhưng về giải pháp để đưa đội tàu của mình vận hành phù hợp với những quy định mới thì không phải hãng nào cũng lựa chọn giống hãng nào. Thực ra các hãng chỉ có ba lựa chọn chính, một là sử dụng một loại nhiên liệu khác sạch hơn, hai là lắp đặt các máy lọc trên tàu nếu vẫn sử dụng loại nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao như trước, ba là kết hợp giữa hai lựa chọn đã nêu - một phần đội tàu lắp máy lọc và một phần dùng các loại nhiên liệu khác.
Nhưng cho dù có lựa chọn phương án nào đi nữa, ngành hàng hải cũng sẽ gánh thêm chi phí hoạt động rất lớn vì các loại nhiên liệu sạch hơn thì đắt tiền hơn, và máy lọc lắp đặt trên tàu có giá từ 1-6 triệu đô la Mỹ một chiếc. Hãng tàu container lớn thứ hai thế giới, MSC, dự kiến sẽ mất đến 2 tỉ đô la Mỹ mỗi năm riêng cho việc đáp ứng các quy định liên quan đến lưu huỳnh của IMO. Con số này cho toàn ngành vận tải container đường biển dự kiến lên đến 15 tỉ đô la Mỹ.
Ngành vận tải container đường biển trên toàn thế giới đang gặp khá nhiều khó khăn, chủ yếu là do nguồn cung dư thừa và mức cước thấp. Vì vậy, với những khoản chi phí gia tăng, người phải chi trả cuối cùng chính là các khách hàng. Và đó là lý do mà phụ phí nhiên liệu đã tăng lên trong thời gian qua. Theo Alphaliner, hãng tàu MSC vận chuyển khoảng 20 triệu TEU hàng năm, chi phí tuân thủ phát sinh cho mỗi TEU của MSC trung bình khoảng 100 đô la Mỹ. Chủ hàng có hàng đi các tuyến ngắn sẽ chịu mức phụ phí thấp hơn so với chủ hàng có hàng đi những tuyến xa.
Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn